Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Trường Sa qua từng bức ảnh - bài 3: Sơn Ca, đảo xanh


Toàn cảnh đảo Sơn Ca tháng 5/2013

Đảo Sơn Ca (Sand Cay) thuộc cụm đảo Nam Yết (Tizard Bank), ở vĩ độ 10022’42’’ Bắc, kinh độ 114028’33’’ Đông.
          Bia chủ quyền trên đảo Sơn Ca hiện nay  

          Đảo hình bầu dục, hẹp ngang, nằm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, dài khoảng 450m, rộng chừng 130m, khi thủy triều xuống thấp nhất đảo cao khoảng 3,5m-3,8m, diện tích tự nhiên khoảng 0,05km2. Cách bờ Đông Bắc của đảo khoảng 300m có một cồn cát cao, xê dịch theo mùa gió.
                                        Ảnh vệ tinh Đảo Sơn Ca năm 2004 
   Mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng là cát san hô được phủ một lớp phân chim. Bênh cạnh những cây bản địa Trường Sa như phong ba, bão táp, bàng vuông, tra, đảo Sơn Ca còn có nhiều cây xoài biển, mù u, vốn chỉ có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vài năm gần đây, một số giống cây ăn quả như ổi, na, mít… được mang ra trồng tại đảo. Ở vùng biển quanh năm có gió mạnh, nhưng do được nhiều cây lớn che chắn, rau xanh ở Sơn Ca phát triển rất tốt.
Cây mù u tỏa bóng rợp mát ở công viên thanh niên, đảo Sơn Ca

Cây ớt “cổ thụ” của phân đội hỏa lực, đảo Sơn Ca

Tháng 7/1973, quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ đảo Nam Yết. Đầu năm 1974, quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ đảo Sơn Sa, cùng với các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa. Rạng sáng ngày 25/4/1975, đặc công hải quân đi trên tàu 641 của Lữ đoàn 125 Hải quân giải phóng đảo Sơn Ca.
Kéo cờ lên đảo Sơn Ca vừa được giải phóng, tháng 4/1975 – ảnh tư liệu

Đảo Sơn Ca năm 1975 – ảnh tư liệu  

Cũng như các đảo Nam Yết, Đá Thị trong cụm đảo Nam Yết, đảo Sơn Ca nằm trong khu vực có nhiều bên chiếm đóng xen kẽ nhất ở quần đảo Trường Sa. Cách đảo Sơn Ca 7 hải lý về phía Tây là đảo Ba Bình (Itu Aba island), đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, đang bị Đài Loan (Trung Quốc) chiếm đóng. Về phía Bắc, có hai đảo đang bị Philippines chiếm đóng là đảo Loại Ta (Loaita island, cách đảo Sơn Ca 19 hải lý) và bãi san hô Lan Can (Lamkian cay, cách đảo Sơn Ca 22 hải lý). Cách đảo Sơn Ca 18 hải lý về phía Tây Nam là đá Ga Ven (Gaven reef) đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Gần đảo Sơn Ca còn có các bãi san hô đang bị một số nước tìm cách kiểm soát, như bãi Bàn Than (Banthan reef, giữa đảo Sơn Ca và đảo Ba Bình), bãi Én Đất (Eldad reef, cách đảo Sơn Ca 14 hải lý về phía  Đông)…
Bản đồ khu vực đảo Sơn Ca, Nam Yết… 

Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương và Chính ủy Quân chủng Hải quân Hoàng Trà đến thăm đảo Sơn Ca, tháng 5/1978 – ảnh tư liệu

Luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra, nhưng quân dân đảo Sơn Ca vẫn xây dựng đảo ngày càng xanh, đẹp. Để dẫn luồng hàng hải và góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam, đèn biển đảo Sơn Ca được hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2009, với tâm sáng ở độ cao 25,5m, tầm hiệu lực ánh sáng 15 hải lý.
Mộ liệt sĩ và đèn biển trên đảo Sơn Ca

 Hiện nay, đảo Sơn Ca được đánh giá là một trong những đảo có cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp nhất ở huyện đảo Trường Sa.
          Một góc phía Tây Bắc đảo Sơn Ca

         Đường ven đảo Son Ca


           

Trường Sa qua từng bức ảnh - bài 2: Song Tử Tây, đảo tiền tiêu phía Bắc

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Trường Sa qua từng bức ảnh - bài 2: Song Tử Tây, đảo tiền tiêu phía Bắc

Đảo Song Tử Tây, nhìn từ phía Tây Bắc

Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) nằm ở vĩ độ 11025’55 Bắc, kinh độ 114018'00’’ Đông, là đảo ở cao nhất về phía Bắc trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang được Việt Nam quản lý (trong loạt bài này, tọa độ các đảo ghi theo thông tin ở bia chủ quyền tại đảo, với các đảo có 2 hoặc 3 điểm đóng quân, ghi theo thông tin trên bia chủ quyền điểm A). Cách đảo Song Tử Tây khoảng 2 hải lý về phía Đông Bắc là đảo Song Tử Đông, đang bị Philippines chiếm đóng.
Đảo Song Tử Tây năm 1995 – ảnh tư liệu
Ảnh vệ tinh đảo Song Tử Tây năm 2005
Đảo có hình bầu dục theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, dài khoảng 630m, rộng 270m, khi thủy triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao 4m-6m so với mặt biển, diện tích (tự nhiên) khoảng 12 ha, là đảo lớn thứ sáu tại quần đảo Trường Sa, lớn thứ hai trong các đảo do Việt Nam quản lý, sau đảo Trường Sa. UBND xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đặt trụ sở tại đảo Song Tử Tây.
Cổng chùa Song Tử Tây

Thổ nhưỡng trên đảo chủ yếu là cát san hô pha với xác lá cây phân hủy, tạo thành lớp mùn khá màu mỡ, thuận lợi cho cây cối phát triển. Dưới mặt đất khoảng 2m có nước ngầm, có thể tắm giặt, tưới cây. Đây là đảo duy nhất ở Trường Sa nuôi được bò.  
Trạm Khí tượng thủy văn trên đảo Song Tử Tây

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tổ chức dựng bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Song Tử Tây từ tháng 8/1956, nhưng đến đầu năm 1974 mới cho quân đóng giữ đảo Song Tử Tây.
Bia chủ quyền Việt Namtrên đảo Song Tử Tây được dựng năm 1956

Cán bộ, chiến sĩ tàu 621 (thuộc Đoàn 125 Hải quân) chụp ảnh lưu niệm tại đảo Song Tử Tây năm 1972, trong chuyến đi trinh sát đường Hồ Chí Minh trên biển – ảnh tư liệu
Máy bay SU30-MK của Trung đoàn Không quân 935 bay tuần tra tại đảo Song Tử Tây, ngày 28/4/2013 
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Đó là nội dung mật lệnh ngày 7/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng ít người biết rằng, 3 ngày truớc đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một mật lệnh chỉ đạo “chiến dịch Hồ Chí Minh trên biển”, giải phóng quần đảo Trường Sa.
Tháng 3/1975, trong lúc cuộc Tổng tấn công mùa xuân giải phóng miền Nam liên tiếp giành được thắng lợi, với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương vẫn theo dõi sát sao tình hình ở biển Đông, nhận thấy một số nước ngoài có ý đồ thừa lúc quân đội Sài Gòn đang lao đao, để xâm chiếm các đảo ở Trường Sa. Lúc 17 giờ 30 phút ngày 4/4/975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lãnh đạo Quân khu 5 và Quân chủng Hải quân mật lệnh số 990B/TK: "Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng".     
 Ngày 11/4/1975, một phân đội của Đoàn 126 đặc công Hải quân, được tăng cường lực lượng của Tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5, do Trung tá Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn 126 chỉ huy hành quân ra Trường Sa, trên 3 tàu vận tải của Đoàn 125 hải quân, giả dạng tàu cá Hồng Công. Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ”, sáng 14/4 quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây sau 45 phút nổ súng, mở màn chiến dịch giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ.
Truy điệu liệt sĩ Tống Văn Quang, hy sinh ngày 14/4/1975 khi chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây, là liệt sĩ đầu tiên hy sinh ở Trường Sa – ảnh tư liệu

Ngày nay, đảo Song Tử Tây là một căn cứ tiền tiêu của Hải quân Việt Nam, sẵn sàng phát hiện và ngăn chặn các hoạt động của nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Năm 1999, tập thể đảo Song Tử Tây được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Quân dân đảo Song Tử Tây biểu diễn văn nghệ ngày 28/4/2013, kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 

 Đảo Song Tử Tây cũng là nơi sinh sống của nhiều hộ dân, có nhiều công trình dân sự, văn hóa như đèn biển, chùa, trạm khí tượng thủy văn, nhà khách…
Tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây, được khánh thành ngày 6/5/2012. Phía sau là đèn biển Song Tử Tây, được đưa vào sử dụng từ tháng 10/1993, là ngọn đèn biển đầu tiên trên quần đảo Trường Sa.    

Xây dựng âu tàu đảo Song Tử Tây, năm 2008 – ảnh tư liệu

Tháng 4/2009, âu tàu Song Tử Tây được hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng, là nơi cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực thực phẩm, dịch vụ y tế và cứu hộ, cứu nạn, sửa chữa tàu thuyền…, nơi tránh trú bão an toàn cho tàu của ngư dân khai thác thủy sản xa bờ.
  

Ngư dân huyện Hoài Nhơn, Bình Định vào trú bão ở âu tàu đảo Song Tử Tây, tháng 12/2011

Phía Đông Bắc đảo Song Tử Tây, năm 1995 – ảnh Viết Hiền
Phía Đông Bắc đảo Song Tử Tây, năm 2013 

                                                       

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Trường Sa qua từng bức ảnh

Bài 1: Tổng quan về Trường Sa

Những anh công binh ngâm mình dưới nước, vác đá xây đảo chìm, những nụ cười hồn nhiên của các em bé, những bãi san hô khô cằn trở thành đảo xanh mát bóng cây… Loạt bài của Nguyễn Đình Quân, phóng viên báo Tiền Phong, giới thiệu hình ảnh về sự đổi thay, ngày càng to đẹp hơn của tất cả 21 đảo ở quần đảo Trường Sa đang do Việt Nam quản lý, từ những ngày đầu được Hải quân ta đóng giữ cho đến nay.  

Bài 1:
TỔNG QUAN VỀ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Cờ truyền thống Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, đơn vị trực tiếp bảo vệ các đảo ở quần đảo Trường Sa – ảnh Nguyễn Đình Quân 
Quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) bao gồm hơn 100 đảo san hô (island), cồn cát san hô (cay), bãi đá san hô (shoal) và rạn san hô (reef) ở giữa biển Đông, từ vĩ độ 6012' Bắc đến vĩ độ 12000' Bắc và từ kinh độ 111030' Đông đến 117030' Đông, trên diện tích khoảng 160.000 km² - 180.000 km². Khoảng cách từ quần đảo Trường Sa đến Cam Ranh khoảng 245 hải lý, đến Vũng Tàu khoảng 295 hải lý, đến vùng biển Malaysia khoảng 250 hải lý, đến vùng biển Bruney khoảng 320 hải lý, đến vùng biển Philippines khoảng 210 hải lý, đến đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 600 hải lý, đến đảo Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 900 hải lý.  
Bản đồ khu vực quần đảo Trường Sa  
Các đảo nổi của quần đảo Trường Sa tương đối bằng phẳng và thấp, tổng diện tích khoảng 5 km2. Các bãi san hô thường trũng ở giữa tạo thành các hồ, sâu từ 5m đến 40m, nước trong hồ khá tĩnh lặng do không bị tác động trực tiếp của sóng và dòng chảy bên ngoài. Bên ngoài thềm san hô, đáy biển có độ dốc lớn, có nơi sâu hơn 3.000 m.  
 
Chiến sĩ Trường Sa, những năm 1980 – ảnh tư liệu 
Mùa khô ở quần đảo Trường Sa từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau, lượng mưa hàng năm từ 1.800 đến 2.500 mm. Hàng năm, có khoảng 130 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, chủ yếu từ tháng 11 đến tháng 1, 2 năm sau. Vùng biển Trường Sa nhiều giông, tố, tháng nào cũng có, từ tháng 1 đến tháng 3 số ngày có giông ít hơn. 
Tàu của ngư dân Quảng Ngãi bên đảo Song Tử Tây – ảnh Nguyễn Đình Quân 
Theo cấu trúc địa chất, thủy văn và khoảng cách giữa các đảo, Việt Nam chia quần đảo Trường Sa thành tám cụm. 
Cụm Song Tử ở phần Tây Bắc của quần đảo Trường Sa, gồm đảo Song Tử Đông, đảo Song Tử Tây, hợp cùng các rạn đá san hô như đá Nam, đá Bắc… tạo nên một rạn san hô dạng vòng lớn là North Danger Reef.
Ảnh vệ tinh cụm đảo Song Tử
Cụm Thị Tứ ở phía nam của cụm Song Tử, có một đảo san hô là Thị Tứ và các rạn san hô như đá Hoài Ân, đá Vĩnh Hảo, đá Xu Bi... Cụm Loại Ta ở phía nam của cụm Thị Tứ, có hai đảo lớn là Loại Ta và Bến Lạc. 
Điểm B, đảo Đá Lớn – ảnh Nguyễn Đình Quân 
Cụm Nam Yết ở phía nam cụm Loại Ta, gồm các đảo nổi như đảo Ba Bình (lớn nhất quần đảo), đảo Nam Yết, đảo Sơn Ca, một số bãi san hô hợp thành rạn san hô dạng vòng Tizard Bank, đảo Đá Lớn…
Ảnh vệ tinh cụm đảo Nam Yết 
Cụm Sinh Tồn ở phía nam cụm Nam Yết, gồm đảo Sinh Tồn, đảo Sinh Tồn Đông và nhiều rạn san hô như đá Cô Lin, đá Gạc Ma, đá Len Đao, đá Ba Đầu…, hợp thành rạn san hô Union Bank.
Ảnh vệ tinh cụm đảo Sinh Tồn
Cụm Trường Sa ở phía nam của cụm Sinh Tồn, nằm ngang từ Tây sang Đông giữa hai vĩ tuyến 80 Bắc và 90 Bắc. Cụm này chỉ có một đảo san hô là đảo Trường Sa, còn lại là các rạn san hô như Đá Tây, đá Tiên Nữ, đảo Phan Vinh, đảo Trườngsa Đông... 
Toàn cảnh đảo Trường Sa – ảnh Nguyễn Đình Quân 
Cụm Thám Hiểm (cụm An Bang) ở phần phía nam của quần đảo Trường Sa, có các bãi Sác Lốt, đá Công Đo, cồn cát An Bang… 
Khu dân cư đảo Sinh Tồn – ảnh Nguyễn Đình Quân 
Cụm Bình Nguyên ở phần phía đông của quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Vĩnh Viễn và đảo Bình Nguyên. 
Ông Hồ Ngọc Nhường, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (cũ) và lãnh đạo Quân chủng Hải quân tham gia bầu cử HĐND huyện Trường Sa khóa I tại đảo Nam Yết, tháng 4/1983 - ảnh tư liệu
 
Lễ thành lập UBND huyện Trường Sa, năm 1983 - ảnh tư liệu
Hiện nay, quần đảo Trường Sa thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Hải quân Việt Nam đang đóng giữ 21 đảo và bãi san hô ở quần đảo Trường Sa, gồm 9 đảo san hô và cồn cát san hô (gọi chung là đảo nổi), 12 bãi đá san hô và rạn san hô (gọi chung là đảo chìm), với 33 điểm đóng quân. 
Chiến sĩ Trường Sa, những năm 1990 - ảnh tư liệu

Trước giờ từ Cam Ranh ra Trường Sa làm nhiệm vụ, tháng 12/2008 - ảnh Nguyễn Đình Quân 
Theo tài liệu của Ủy ban Biên giới quốc gia Việt Nam, Trung Quốc đang chiếm đóng 7 bãi san hô tại quần đảo Trường Sa, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm đóng đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Ba Bình, Philippines đang chiếm đóng 9 đảo, bãi, Malaysia đang chiếm đóng 5 đảo, bãi trong quần đảo, Bruney có yêu sách chủ quyền với một phần vùng biển quần đảo Trường Sa.
 Đảo Sinh Tồn Đông – ảnh Nguyễn Đình Quân 

                                                                                                                           

Trường Sa qua từng bức ảnh - Xem tiếp bài 2: Song Tử Tây, đảo tiền tiêu phía Bắc